Được trèo lên đỉnh Mã Pì Lèng, được tắm trong không khí mát rượi của mây ngàn gió núi, được phóng tầm mắt ngắm trăm ngàn ngọn núi lô nhô chen nhau thấp hơn bàn chân mình, được nhìn xuống dưới dòng sông Nho Quế chỉ nhỏ như sợi chỉ trong veo, xanh ngắt uốn lượn dưới khe núi,… hẳn là mơ ước của nhiều người. Với tôi Mã Pì Lèng quen thuộc đến từng cành cây ngọn cỏ. Con đường này ngày nao tôi cũng hai bận đi về để qua lại giữa hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Những hôm sau mưa mây trắng dềnh lên, cả Mã Pì Lèng chìm trong biển mây, cảnh vật như lạc trên tiên cảnh. Những hôm mưa dầm cả Mã Pì Lèng ướt nước, những dãy núi dài co cụm tránh mưa, không gian buồn ảm đạm. Những hôm sương dày, ngày giá rét, cả Mã Pì Lèng bao phủ một mầu trắng đục, con mắt nhìn không quá mười bước chân, vách núi bên ta-luy dương núi đá sừng sững như cột chống trời…
Hôm ấy đưa đoàn đi thấy các bạn mê mải chụp hình với dòng sông Nho Quế tôi cũng đi theo. Đây là lần đầu tiên tôi trèo ra mỏm đá dưới điểm nghỉ trên Mã Pì Lèng. Các bạn nhắc nhau đi cẩn thận, tôi nhìn xuống dưới chân mình từng thớ đá có những đường vân rất đẹp, màu thời gian in hình lên đó có lẽ đã được cả triệu năm. Cả triệu năm đó không biết có được mấy người nhìn đến. Kể cũng lạ, các bạn giơ ống kính ra chụp sông Nho Quế còn tôi đưa ống kính tìm mấy cụ đá xù xì thô nhám.
Dòng sông Nho Quế yên bình uốn mình theo khe núi
Những tảng đá nhô ra nơi vách núi dựng đứng
Mỏm núi nơi hẻm vực Tu Sản có độ sâu 800 mét dài 1,7 km là danh thắng kỳ vĩ độc nhất của Cao nguyên đá Đồng Văn
Mỏm núi nhô ra hình đầu con rùa ngay dưới chân Mã Pì Lèng
Giữa bao la là đá, cây rừng mọc lên khá hiếm hoi
Giữa khe đá chỉ lơ thơ được những ngọn cỏ
Khối đá có hình tròn giống cái đầu người và có nhiều lớp đá chồng lên nhau cho rêu và cỏ mọc
Hòn đá này có vân giống mai con rùa
Khối đá có hình cây cầu khá lạ và nhiều vân đẹp
Khối đá này khác hẳn, nó có hình thù giống một cây gỗ đã hóa thạch, có vân lớp rõ ràng
Thớ đá này đã bị thời gian mài gọt không biết bao nhiêu năm mới thành những rãnh khá sâu như vậy.